CƠ CẤU NỘI BỘ GIÁO HỘI

Giáo Hội công giáo có một cơ cấu cổ điển, rõ ràng: Dân – Linh mục – Giám- mục. Và trên tột cùng là Giáo chủ. Phẩm trật (Hierachie) - từ ngữ này có nghĩa là “quyền cai trị thánh” – bắt nguồn từ Kinh Thánh, hay từ nhu cầu tổ chức để có một bộ máy mạnh, hữu hiệu?

Tôi chống lại quan điểm của nhiều người, dịch chữ “Hierachie” ra nghĩa “quyền cai trị thánh”. Tôi khẳng định nghĩa của nó là “nguồn gốc thánh”. Nó muốn nói lên rằng, Giáo Hội không hình thành từ các quyết định, nhưng luôn có thể được tái sinh từ chính Chúa, từ các bí tích. Với cái nhìn đó, ta cũng có một nhận thức khác đối với chức linh mục. Ở đây, ta không nói chuyện về một giai cấp cai trị muốn áp đặt kỉ kuật sắt trong Giáo Hội. Chức linh mục, trái lại, là sự nối kết Giáo Hội với Thiên Chúa. Nó là sự vượt lên trên chính mình của một Giáo Hội do Chúa thành lập, chứ không phải do từ các đại hội, từ các quyết định, từ sự thông thái hay sức mạnh của tổ chức. Trong ý nghĩa đó, chức linh mục cũng không phải là thứ có sẵn. Nếu vì thế mà ơn gọi linh mục không còn nữa, thì ta phải cầu khẩn Chúa, chứ không thể tự mình đơn giản nặn ra được.

Giáo Hội thường được gọi là “đoàn dân lữ hành”, tín hữu được gọi là “đàn thú của Chúa”. Có người cũng gọi họ là đàn chiên, nghĩa là một đàn súc vật chẳng có quyền gì cả, chỉ có việc tin và vâng lời .

Tôi thấy hai ý niệm“dân Thiên Chúa” và “đàn thú” không có gì là chống nhau. Đạo Do-thái phát triển từ nền văn hoá chăn nuôi, nên hình ảnh người chủ chăn luôn giữ một vị trí quan trọng và hình ảnh đó đã đi vào Tân Ước. Vì thế ta không nên đi từ hình ảnh làm thân chiên cừu để xét đoán, nhưng nên đi từ mối tương quan tín thác giữa người chăn và đàn cừu. “Dân Thiên Chúa” cũng mang ý nghĩa như thế: một đoàn dân đang trên đường băng suốt qua lịch sử.

Ở Í, sau khi Giáo Hội làm hoà lại với nhà nước thế tục, Pi-ô XI đã cảnh tỉnh giáo dân, giờ đây phải làm sao có được một cách sống đời giáo dân mới, nghĩa là làm ki-tô hữu giữa trần thế, và ngài sau đó đã lập ra tông đồ giáo dân. Tôi thấy, từ sau Công đồng II, nẩy ra chiều hướng chống giáo sĩ, hô hào giáo dân phải dành lại quyền của mình trong Giáo Hội.

Quan điểm đó giờ đây đã trở thành khẩu hiệu chống Rô-ma, đã trở thành một tín điều cho giới công dân tự do.

Theo tôi, chiều hướng kia đặt trên một căn bản sai. Họ quan niệm rằng, Giáo Hội giờ đây phải được cai trị bởi hai giới, giáo sĩ và giáo dân, cả hai cùng quyết định về số phận Giáo Hội. Họ bảo, giáo dân phải cử ra các đại diện – và các đại diện đó, ở Đức, có cơ quan cao nhất là Uỷ ban Trung ương của người công giáo Đức – để nói lên tiếng nói của giáo dân. Và phía giáo sĩ cũng cử ra đại diện của họ. Hoàn toàn vô nghĩa. Như vậy thì giáo sĩ để cho ai? Nhất là người ta còn bảo cả hai giới phải chung nhau nghĩ xem nên tổ chức Giáo Hội như thế nào, nên giữ lại gì cho kho tàng đức tin. Rằng phải hạ bệ giáo sĩ và giáo dân phải giành lại tiếng nói của mình.

Có người nghĩ như vậy.

Nếu như giáo sĩ có lí, thì họ cũng chẳng có quyền bắt Giáo Hội phải thế này thế nọ. Mà họ phải vâng lời Thiên Chúa, mà người bảo đảm cho sự vâng lời đó là giáo chủ. Giáo chủ là người giữ cho Giáo Hội luôn nằm trong tay Thiên Chúa, không để nó bị nhào nặn bởi con người. Đó là ý nghĩa của bí tích truyền chức linh mục, chức xuất phát từ một nguồn không phải do chúng ta tạo ra. Lại nữa, giáo dân thì có gì là xấu, đây là bậc sống bình thường của người theo Chúa, nhờ bậc sống bình thường này mà Tin Mừng được sống và được đưa vào cuộc sống bình nhật của thế giới. Và mục đích thật sự của tông đồ giáo dân là làm sao cho đạo Chúa đi vào thế giới và biến đổi nó.

Giới tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội là bậc sống triệt để nhất của người theo Chúa. Đâu là nhiệm vụ của họ, đặc biệt cho Giáo Hội tương lai ?

Có nhiều bậc sống theo Chúa, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Giáo dân là bậc cơ bản và không thay thế được, họ sống đức tin trong hoàn cảnh hợp với ngành nghề của họ, trong môi trường chính trị, khoa học, thủ công nghệ hoặc những nghề bình thường nhất. Nhưng cũng cần có một bậc dành toàn cuộc sống mình cho đức tin, họ là trạm nhiên liệu cho việc rao truyền, cho việc thổi hồn cho Giáo Hội.

Tôi tin rằng những cơ cấu muôn mặt đó sẽ rất quan trọng cho tương lai Giáo Hội. Luôn luôn cần có chỗ cho con người có thể thu mình về, nơi đó họ suốt ngày có thể tham dự vào cuộc sống cầu nguyện, nơi đó lời cầu kinh thấm đượm nhịp sống của ngày thường. Đó là những kho dự trữ để đức tin lấy thêm năng lực làm mới mình và toả sáng. Chúng ta đang kinh nghiệm những điều đó trong tu viện cổ xưa của các tu sĩ Biển-đức ở Montecassino này. Hoặc hãy nghĩ tới các dòng chiêm niệm nữ, như của các chị dòng kín, các chị dòng Klara*, chẳng hạn. Đó cũng là những ốc đảo sa mạc cho nhiều người tìm tới để tăng cường và đổi mới đức tin mình.

Montecassino là một trong những tu viện nổi tiếng nhất của Giáo Hội la-tinh. Người ta nói, không có tu viện nào lâu đời và xứng đáng như tu viện này. Vào đúng năm 529, khi người ta xây thành phố tu viện trên núi này cho các tu sĩ biển-đức, thì đó cũng là lúc Học viện Platon ở Athen đóng cửa.

Tôi thấy sự trùng hợp thời gian bất ngờ giữa việc đóng cửa Học viện Platon và việc mở cửa tu viện Biển-đức ở Montescassino mang một ý nghĩa lớn. Học viện là biểu tượng cho nền học thuật cổ điển. Montescassino được coi là học viện cho thế giới Ki-tô giáo. Ta thấy một thế giới đang qua đi thật sự. Đế-quốc Rô-ma tan vỡ, bên phương tây nó chỉ còn là những mảng vỡ đang lịm tắt. Đế-quốc tan vỡ kéo theo sự đổ vỡ của cả một nền văn hoá, nhưng Biển-đức đã giữ nó lại và tái sinh nó. Như vậy, ngài đã thực hành đúng khẩu hiệu của các tu sĩ Biển-đức : Succisa virescit – càng cắt ngắn thì nó lại càng mọc xanh lên. Một cách nào đó việc cắt đứt văn hoá đó lại trở thành một cuộc lên đường.

Và đó là khởi nguyên nền tảng văn minh Âu châu.

Các tu sĩ biển-đức thoạt tiên chỉ muốn giữ truyền thống dòng tu, là trở thành một nơi cầu nguyện. Họ muốn là nơi tổng hợp việc làm tay chân, biến đất đai thành vườn tược và phục vụ Chúa.

Lý tưởng của cộng đoàn biển-đức được diễn tả qua câu ora et labora – làm việc và cầu nguyện. Trên hết là phụng vụ. Nó ưu tiên nhất, vì chính Chúa là quan trọng nhất. Nó trải ra suốt ngày thâu đêm, thấm đượm và uốn nắn thời gian và đã triển nở thành một dạng hình văn hoá cao và tinh ròng. Nhưng tinh thần đạo đức của phụng vụ đồng thời là trồng trọt làm mới đất đai. Chủ trương làm việc tay chân này đã đẩy lùi thiên kiến cổ điển, coi đó chỉ là nhiệm vụ của đám nô lệ. Giờ đây công việc tay chân trở thành một cái gì cao quý, Tin Mừng Gio-an gọi đó là sự bắt chước đấng Tạo hoá.

Cùng với tư tưởng mới về làm việc, quan điểm về nhân phẩm cũng thay đổi. Xã hội thời đó nặng tính đẳng cấp, coi con người hoặc là tự do hoặc là nô lệ. Nhưng tu viện là nơi không còn đẳng cấp, ai vào đó, đều là người tự do. Và, bắt nguồn từ tự do của Chúa, mọi người đều bình đẳng và có cùng một sứ mạng là mang Chúa xuống cho trái đất và nâng trái đất lên cùng Chúa.

Với tất cả những cái đó Montescassino đã cứu và thay thế nền văn hoá cổ điển. Nơi đây người ta sao chép lại các tài liệu, nơi đây ngôn ngữ được chăm sóc. Tu sĩ người Pháp Leclerq có lần nói, yêu Chúa và yêu văn phạm gắn liền với nhau. Muốn hiểu Kinh Thánh, phải đọc nó. Vì vậy mà khoa học ngôn ngữ đã ra đời và được chăm bón. Đó chỉ là một thí dụ. Mặt khác, muốn làm vườn hiệu quả, bắt buộc phải nghiên cứu đất đai. Tóm lại, có thể nói, từ nguồn đạo đức “phụng vụ và làm việc” - ora et labora – đó, mà một nền văn hoá mới, văn hoá âu châu, hình thành.

Di chúc lớn của thánh Biển-đức để lại là bộ luật của ngài. Hẳn tác phẩm nhỏ nhoi đó là một trong những thành quả lớn nhất của phương tây - mà sứ điệp thực tế của nó là tạo nên một cuộc sống có “lớp lang thứ thự” - cho tới ngày nay và mãi mãi vẫn có thể khám phá ra được nét mới. Ngài ghi chú : “Chỉ cần Kinh Thánh cũng đủ làm mẫu mực cho cuộc sống rồi”. Nhưng để người mới tập sự có thể thực hành được luật đó, ngài đã viết ra một hướng dẫn đơn giản, cho những ai “yêu cuộc sống và muốn thấy một ngày tươi đẹp”.

Yếu tố nổi bật của luật đó là mực thước. Nhiều bộ luật dòng khác quá gắt. Vì ganh đua nên người ta thường đặt ra những luật quá triệt để, từng cá nhân sốt sắng có thể theo được, nhưng về lâu về dài không thể áp dụng cho cuộc sống chung. Biển-đức đã nối kết thành công giữa cái đòi hỏi gắt gao cần thiết và cái giới hạn của bản chất con người. Luật của ngài linh động, vì vị bề trên có quyền hạn rộng rãi áp dụng luật đó tuỳ vào hoàn cảnh do ngài nhận định. Dù vậy, luật cũng không phải là lỏng lẻo, mà trái lại, nó đề ra một cơ cấu chặt chẽ : nhất là các giờ kinh nguyện ấn định thời biểu cho cả ngày lẫn đêm, và cũng cả cơ cấu các bữa ăn và bổn phận làm việc. Như ta đã thấy, công việc tay chân kéo theo công việc văn hoá, học chữ để đáp ứng nhu cầu phụng vụ.

Một cách nào đó, Biển-đức được xem như một thứ Mai-sen, người đã đặt quy luật cho cuộc sống. Nhưng luật của Biển-đức bắt nguồn từ Đức Ki-tô. Và Đức Ki-tô là người đã làm mới và hoàn chỉnh luật Mai-sen, để nó có thể trở thành luật sống cụ thể. Trong ý nghĩa đó Biển-đức đã trở thành một nhà ban hành luật cao cấp của phương tây, và từ con người văn hoá muôn mặt đó mà cuối cùng một châu lục mới – Âu châu – đã thành hình, một nền văn hoá đã biến đổi bộ mặt thế giới.

Nếu như văn hoá chúng ta ngày nay đứng trước cơ nguy mất thăng bằng, như ta đang thấy, thì đó cũng là vì ta đã lìa quá xa luật ngài. Có lẽ thế giới chúng ta luôn có thể tìm lại được thế thăng bằng một cách dễ dàng, nếu ta chịu trở về với luật cơ bản của Biển-đức, bởi nó chỉ ra thái độ và nhân đức nền tảng mà con người cần có, hầu tạo thăng bằng nội tâm cho cuộc sống. Không có thăng bằng đó, không thể có cuộc sống cộng đoàn, và cá nhân không thể trưởng thành được.

Ta tiếp tục bàn thêm đôi chút về thành quả quan trọng đó của Biển-đức. Chữ đầu tiên của bộ luật là “lắng nghe” : “Con ơi, hãy lắng nghe lời dạy của thầy”, rồi Biển-đức thêm : “Hãy ghé tai nghe tiếng tim con”.

Vâng, đó là lời mời gọi lắng nghe, và đây là điều căn bản cho con người. Con người không được tự mãn, nó phải khiêm tốn để học đón nhận một cái gì đó – “cúi đầu con xuống”. Nó phải lắng nghe để lần ra ơn gọi mình. Và nghe không có nghĩa là để một tai vào những gì vừa xẩy ra chung quanh, nhưng là lắng mình đi vào chiều sâu – hoặc hướng lên cao, bởi chưng những gì thầy nói đều không ngoài việc áp dụng Kinh Thánh, áp dụng bộ luật nguyên thuỷ của kiếp người.

Biển-đức tin rằng, lắng nghe và đáp trả cũng giống như hít vào và thở ra. Và con người cũng cần học cách chấp nhận mình, nó cần “ở lại trong chính mình”, cần im lặng, lắng nghe, tìm yên tĩnh cho mình. Từ hơn 1500 năm nay bộ luật vẫn không mất tính thời sự.

Qua luật biển-đức, ta thấy cái gì thực sự là người trong đó thì không mất tính thời sự. Cái gì thật sự toát ra từ chiều sâu thì vẫn là một cách sống không bao giờ lỗi thời. Người ta có thể phê bình nó, có thể thử tìm trong đó những hình thức vận dụng khác nhau, nhưng trên căn bản, quy luật sống đó vẫn luôn mang tính thời sự. Ngay ngày hôm nay, ta lại thấy cần phải thân thiện với địa cầu, cần coi trọng những quy luật của nó và bảo tồn tạo vật của nó. Và có lẽ ta lại bắt đầu thấy cần dành thời gian nghỉ ngơi cho việc phụng vụ, đừng bắt trí óc đêm ngày chỉ phải bận tâm với chuyện năng suất. Ta biết việc lắng nghe cũng là một phần của đời sống – bởi lẽ phụng vụ là việc Chúa đi vào lòng người và là sự lắng nghe. Ta biết kỉ luật, chừng mực và trật tự có liên quan với nhau ; vâng lời liên quan với tự do ; cũng thế, việc có thể chịu đựng lẫn nhau trong tinh thần đức tin không chỉ là quy luật nền tảng của một cộng đoàn dòng tu, nhưng tất cả những điều trên thật ra là những yếu tố nền tảng cho việc hình thành bất cứ một cộng đoàn xã hội nào. Đó là một bộ luật rất người, và nó cũng diễn tả được cái tính người đó, bởi vì nó nhìn vượt lên trên con người và – đã nghe và đã nhìn ra được những gì thuộc Thiên Chúa. Con người chỉ trở thành người khi nó được Chúa đụng đến.

Câu chuyện sau đây ta không được phép quên. Tên thật người đó là Gio-an Bernardone. Người ta gọi ngài là Francesco, nghĩa là ´chú Pháp nhỏ´, vì ngài thích hát nhạc Pháp. Ơn gọi của ngài là cả một câu chuyện thật cảm động. Có thể nói rằng Franciscus (Phan-sinh) đã cứu được Giáo Hội khỏi sụp đổ ?

Giáo Hội có lẽ chẳng bao giờ sụp đổ hoàn toàn đâu, nhưng trong cơn khủng hoảng của Giáo Hội, ngài đã làm được chuyện quyết định để chống đỡ nó. Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện của giáo chủ In-nô-xen-xô III. Ngài mơ thấy nguyện đường Lateran đổ và bỗng dưng có người ghé vai chống đỡ. Ngài cho rằng người đó chính là Phan-sinh và cho mời tới. Và nhà chính trị tài ba In-nô-xen-xô nhìn ra sức mạnh cần có cho Giáo Hội nơi anh nhà tu vô chính trị và có cuộc sống Tin Mừng cực đoan kia. Giáo Hội cần một đổi mới đoàn sủng từ bên trong, cần một ngọn lửa đức tin mới, chứ không phải chỉ với khả năng và chiến lược của giáo triều và của trật tự chính trị là đủ.

Tôi tin rằng câu nói của Đức Ki-tô “Hãy theo tôi”, hãy dứt khoát triệt để theo tôi, quả mang nhiều kết quả. Bao nhiêu xung lực và câu đáp trả mới đã không ngừng nẩy sinh từ đó. Và Giáo Hội, mỗi khi trở nên nhàm chán hay đứng trước đổ vỡ, vẫn không ngừng hi vọng vào những sức bật mới do Chúa Thánh Linh thúc đẩy từ bên trong. Những sức bật không bao giờ được chuẩn bị trước, nhưng chúng phát sinh từ những con người được chúc phúc và chúng làm cho Tin Mừng luôn mang lại hoa trái mới.

Phan-sinh là một trong những người đó. Sau thời gian tuổi trẻ vui chơi và nông nổi, bỗng dưng ngài nghe được tiếng gọi triệt để, và hân hoan bước đi theo Chúa. Ngài bằng lòng với cuộc sống tu trì đang có, chứ không nghĩ lập ra một dòng mới. Đứng trước nếp sống nặng nề, vô vị – và bị choáng ngộp bởi ích kỉ - của ki-tô hữu, ngài chỉ muốn đơn giản rao giảng lại Tin Mừng theo lối mới và góp nhặt người về cho Chúa. Ngài chỉ muốn trình bày Tin Mừng, nói về bài giảng trên núi, mà thôi, để khích động bà con ăn năn quay về với Chúa.

Nhưng từ đó, gần như ngược lại với ý ngài, một phong trào sống đạo đã hình thành, và cuối cùng nó đã trở thành khung pháp lí cho một dòng tu. Giáo chủ nhận ra nhu cầu phải cho phong trào này một khung hình tổ chức, để làm dụng cụ rao truyền sự hiện diện mới của Tin Mừng, mà Phan-sinh đang phát động. Nhưng đây rốt cuộc lại là bi kịch của dòng Phan-sinh : Một đàng, chủ trương sống tin mừng triệt để đòi hỏi phải có nhiều tự do, phải sống nghèo hơn, chủ trương đó không thể bị bó hẹp trong một khuôn khổ định chế. Nhưng đàng khác lại cần có một hình thức nào đó phù hợp cho một cộng đoàn con người bình thường tổ chức đời sống. Ngọn lửa sống đạo cực đoan kia thỉnh thoảng đã vượt ra khỏi định chế, nhưng dù vậy dòng vẫn luôn nhận ra chỗ đứng trong Giáo Hội của mình.

Ngay chính Giáo Hội cũng sống trong tình trạng lưỡng nan đó. Một mặt, tất cả chúng ta phải luôn nỗ lực, triệt để hơn trong việc vượt ra khỏi những thoả hiệp cuộc sống thường nhật. Nhưng mặt khác, nếu như phải chấp nhận tiếp tục sống với những thoả hiệp phải có trong thế gian này, thì ta nên chấp nhận cái gai bất an đó thôi thúc trong lòng, và hãy mở chính cuộc sống mình và cuộc sống thế giới ra cho chiều kích lớn rộng của Tin Mừng.

Phan-sinh đã chẳng bao giờ chịu làm linh mục, tại sao ?

Ngài là một người khiêm tốn. Ngài sống theo ý nghĩa nguyên thuỷ của lời Chúa, muốn trở nên bé mọn trước mặt Ngài, vì như Chúa đã nói, chỉ những ai bé mọn mới thấu hiểu được Tin Mừng. Linh mục trong thời xã hội đẳng cấp của ngài là giới thuộc cấp cao, ưu đãi, mà một kẻ chủ trương sống đơn giản phục vụ như ngài không muốn bước vào. Ngài muốn mình là một người loan báo Tin Mừng tầm thường, một kẻ hát rong ca ngợi Chúa. Theo truyền thuyết thì ngài đã là phó tế, một chức vị có quyền đọc Kinh Thánh trong các buổi phụng vụ. Ở đây xem ra chức phó tế, một bí tích phục vụ, là tác vụ thích hợp cho cuộc đời ngài.